Lan Hồ Điệp có chừng 44 loại nguyên giống, mọc trên giẫy Hi mã lạp sơn đến suốt châu Á và sang cả Úc châu. Việt Nam có chừng 7-8 giống. Vào năm 1750 G.E. Rumphius đã tìm ra cây Hồ Điệp nhưng lầm tưởng là một loại Angraecum và sau này Carl Blume mới tìm ra cây Phalaenopsis amabilis vào năm 1825. Theo tiếng La tinh chữ Phaluna có nghĩa là con bướm (moth) và opsis có nghĩa là giống như. Lan Hồ điệp là một loại lan thân đơn, ngắn, lá to và cứng, rễ dài. Những cây nguyên giống thường nở hoa vào mùa đông xuân, các cây lai giống hoa nở quanh năm. Nếu nuôi đúng cách lan hồ điệp có thể sống rất lâu. Có cây sống được trên 18 năm sau đó ra hoa ở ngọn rồi mới chết.
CÁCH TRỒNG
NHIỆT ĐỘ
Hồ Điệp là một loại lan không chịu được quá nóng hay quá lạnh, lại không cần nhiều ánh sáng cho nên thích hợp trồng trong nhà hay trong nhà kính. Nhiệt độ 75-85°F cho ban ngày và 65°F vào ban đêm. Khi cây đang ra nụ, nhiệt độ hay độ ẩm thay đổi bất thường sẽ làm cho nụ hoa héo rụng.
ÁNH SÁNG
Trong nhà kính phải dùng lưới che bơtù ánh sáng vì lan chỉ cần từ 1000 cho dến 1500 ánh nến. Nuôi trong nhà, cần để lan ở gần cửa sổ có ánh nắng hoặc không cũng được. Có thể dùng 4 chiếc đèn ống 40 W và 2 bóng đèn thường, cách ngọn cây lan khoảng 6-10" từ 12-16 giờ mỗi ngày. 12 giờ cho cây lớn và 16 giờ cho cây nhỏ.
TƯỚI NƯỚC
Không bao giờ để lan quá khô, mùa hè nên tưới thật đẫm 2 lần một tuần. Muà đông 10 ngày tưới một lần. Nên tưới vào buổi sáng để lá cây sẽ khô vào trước ban đêm. Để nước đọng vào ngọn, lá non dễ bị thối và cây sẽ chết.
ẨM ĐỘ
Lan cần ẩm độ từ 50-80%. Để chậu lan trên khay nước có xếp đá sỏi cho có đủ ẩm độ cần thiết.
PHÂN BÓN
Khi cây đang mọc bón phân 30-10-10 mỗi tuần một lần, chỉ nên bón 1/4 hay ½ thìa cà phê gạt cho 1 gallon nước. Khi cây sắp ra nụ bón phân 10-30-20 hoặc dùng một thứ 15-15-15. Mùa đông bớt bón phân 2 tuần 1 lần, khi cây không mọc nên ngưng bón.
THAY CHẬU
Thời gian thay chậu tốt nhất là vào muà xuân hay khi hoa vừa tàn, tối thiểu 3 năm một lần. Nếu vỏ cây bị mục nát sẽ làm thối rễ. Vỏ cây nuôi Hồ điệp cần phải thoáng và dóc nước, thông thường dùng vỏ cây cỡ ½" trộn với 1/10 perlite hoặc vỏ cây cở 1/8-1/4" và perlite cho những cây lan còn nhỏ. Khi trồng lại, cắt bỏ các rễ thối, giữ cho cuống rễ gần ngang miệng chậu rồi bỏ vỏ cây vào. Dùng ngón tay ấn quanh miệng chậu cho chặt. Tưới bằng 1 thìa súp B1 pha với 1 gallon nước.
Khi hoa tàn, cắt bỏ dò hoa chừa lại 3 đốt cuối, lan sẽ tiếp tục ra hoa. Nếu cây không được mạnh, lá mềm rũ xuống nên cắt bỏ hẳn dò hoa để cho cây được mạnh. Một đôi khi lan cũng mọc cây con (keiki) ở gốc hoặc trên các đốt trên dò hoa, trường hợp này đợi cây non ra rễ sẽ tách ra trồng lại. Có những loại thuốc có chất hormone để tạo ra những cây con ở các đốt hoa. Thuốc này có bán tại các nhà trồng lan.
NHỮNG GIỐNG HỒ ĐIỆP MỌC Ở VIỆT NAM
Phalaenopsis amabilis
Phalaenopsis cornu servi
Phalaenopsis fuscata
Phalaenopsis gibbosa
Phalaenopsis lobbii
Phalaenopsis manii
Phalaenopsis parishii
Phalaenopsis petelotii
NHỮNG CÂY HỒ ĐIỆP CÓ HƯƠNG THƠM
Phalaenopsis amabilis | Phalaenopsis cornu servi |
Phalaenopsis fasciata | Phalaenopsis luddemanniana |
Phalaenopsis manii | Phalaenopsis modesta |
Phalaenopsis speciosa | Phalaenopsis schilleriana |
Phalaenopsis stuartiana | Phalaenopsis violacea |
Những cây lai giống từ các cây kể trên phần đông đều có hương thơm di truyền từ cây cha hoặc cây mẹ.
Placentia 08-2003
BÙI XUÂN ĐÁNG
Comments
0 comments to "Phalaenopsis (Fal-en-OPP-sis) Hồ Điệp"
Đăng nhận xét