7/08/2010

Thú chơi địa lan của người Hà Thành

0 nhận xét
Chạy xe hàng trăm cây số để mua một nhành lan, ngẩn ngơ cả tháng trời khi một chậu lan chết, có người còn nghỉ hưu sớm để toàn tâm toàn ý với lan…
Đó là những câu chuyện vui được các thành viên hội địa lan Thăng Long kể cho nhau nghe mỗi lần gặp mặt. Thành lập vào tháng 6 năm 2009, đến nay, hội có 30 thành viên. Họ lấy ngày chủ nhật, tuần thứ hai của tháng để gặp gỡ, đàm đạo và trao đổi kinh nghiệm trồng lan.

Ngày xưa có câu “vua chơi lan, quan chơi trà” để chỉ hoa lan là loài hoa cao quý, chỉ dành riêng cho các bậc đế vương. Đến ngày nay, hoa lan vẫn được xem là nữ hoàng của các loài hoa, nhưng người thưởng thức nó đa dạng hơn, từ người già đến người trẻ, từ người giàu cho đến kẻ nghèo.

Bắt đầu từ việc “hầu” các cụ trồng lan, anh Nguyễn Xuân Thủy (hội trưởng hội địa lan Thăng Long) đã đem lòng “say” lan. Yêu đấy nhưng không được các cụ cho nhánh để trồng, không được dậy cách chăm lan, cậu bé Thủy khi ấy mày mò học lỏm, ấp ủ mong ước có một vườn lan. Khi cuộc sống khá hơn, đang công tác ở xí nghiệp xây lắp điện, anh xin về hưu non để toàn tâm toàn ý với những giỏ lan rừng. Anh tâm sự: “Trước đây biết được trên thị trường có hai chậu lan quý, tiền trong nhà không có nên tôi đã phải bán cả một chỉ vàng của vợ để mua hai giỏ lan ấy về”.
Xem hình
Anh Cường chăm sóc vườn hoa. Ảnh: Hoàng Thùy
Anh Đinh Ngọc Phát (Giảng Võ) thì có duyên với lan từ khi xin được một nhánh lan rừng của bố đang định đi tặng. Anh chăm sóc nó hàng ngày, ngồi ngẩn ngơ ngắm. Có lần đến nhà bạn, thấy giống lan mới, hỏi mua bạn không bán, xin không cho, vậy là anh lập kế hoạch “ăn trộm”. Anh cười: “Mình trộm nhưng cũng trộm có tâm lắm, dùng dao tách cẩn thận lấy một nhánh, không ảnh hưởng đến cả cây. Mình đem về trồng, cho hoa rất đẹp và đều”.

Đến với lan như một duyên phận, cụ Lê Bá Thừa (cán bộ viện chiến lược, Bộ Quốc phòng) nay lấy việc chăm lan, tưới lan, thưởng lan làm thú vui tuổi già. Cụ kể: Ngày ấy, sức khỏe không tốt, cụ phải dùng máy trợ tim thường xuyên. Đến khi có người bạn tặng cho giỏ lan rừng, ngày ngày chăm sóc và ngắm hoa, cụ đã không cần đến máy trợ tim nữa.

Chơi lan tưởng dễ hóa ra lại vô cùng kén người. Anh Thủy (trưởng hội lan Thăng Long) cười nói: “Giới thiệu lan với những người không biết thưởng thức còn khó hơn chăm sóc chúng. Nhất là với địa lan, một loài hoa cần sự tinh tế mới có thể cảm nhận hết được vẻ đẹp của nó”.

Theo anh, người chơi địa lan trước hết cần có kiến thức thực sự về địa lan để tránh mua nhầm những cây lan không đẹp, những cây đang bị bệnh hoặc những cây không hợp điều kiện nuôi trồng. Những giống cây quý chỉ cần mua ít thân làm giống, mua đúng chỗ, đúng cây, đúng thời điểm.

Với những người chơi lan, việc trao đổi giống mới với nhau là việc làm thường xuyên. Khi chậu lan quý đã trưởng thành, họ sẽ tách ra một vài thân để đổi lấy giống lan quý khác. Điều này vô cùng quan trọng trong việc chơi và sưu tầm địa lan, bởi có những người không bao giờ bán giống địa lan quý của mình mà chỉ dành để tặng, biếu những người bạn tâm giao.
Xem hình
Khách xem hoa lan ở Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Hoàng Thùy
Bác Đoàn Bá Quy, một thành viên của hội địa lan Thăng Long cho biết: "Chơi lan cần nhất là nhẫn nại. Đôi khi người chơi lan mua và trồng một cây lan chỉ từ một thân già trụi lá, không rễ. Phải mất vài năm để cây có thể ra hoa, mất tiếp 2-3 năm nữa để thẩm định chất lượng thực sự của chậu lan".

“Có những cây lan tôi trồng đến 6 năm mới cho hoa. Sốt ruột lắm vì ngày nào cũng chăm sóc, mà tới 6 năm mới được nhìn thấy thành quả”, bác cười.

Địa lan không nở hoa quanh năm, chỉ khoe sắc vào thời điểm trước và sau Tết một tháng. Vì vậy, suốt những tháng còn lại người chơi lan chơi lá. Không phải loài nào cũng có hương và được ưa chuộng. Một số loại có sắc đẹp nhưng không có hương; một số khác có hương, nhưng hoa ngắn thấp lẫn vào lá, hoặc một số loại lá lại quá to, thân cây thô cứng…

Các loại lan quý hiếm phải có hương, hoa phải cao vượt trên lá, hoa to, lâu tàn, hương lan xa; lá nhỏ, ngắn và mềm mại; giò hoa vươn lên uyển chuyển, thanh cao, đặc biệt là phải nở vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Một số địa lan được ưa chuộng như: Đại Hoàng, Thanh Ngọc, Hoàng Vũ, Thanh Lan, Mặc Lan, Cầm Tố, Hoàng Điểm, Ngân Biên, Bạch Ngọc, Trần Mộng…

Những người chơi say lan đến mức, nghe thấy ở đâu có loài quý, mới lạ là tìm đến ngay. Anh Thủy cho biết, các thành viên của hội thường thuê xe cùng nhau đi các vùng núi ở Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn. Đi công tác hay du lịch ở đâu cũng hỏi thăm xem có vườn lan không để đến chơi. “Bác Quy tuổi đã cao rồi mà nghe ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên…có lan là một mình đi xe máy đến, lúc mua về rồi thì vui sướng gọi anh em đến cùng thưởng thức”, anh kể.

Trồng lan cũng là một nghệ thuật. Đất là loại đất sú (loại nằm dưới sâu), phơi nắng cho vi khuẩn chết hết, sau khoảng một năm mới đem trồng hoa. Khi trồng không để dí đất, úng nước hoặc bị sâu rệp, lan sẽ còi cọc không phát triển được hoặc bị phá hủy. Tốt nhất nên cho một lớp vỏ ốc ở dưới, đặt lan nhẹ nhàng, với các lá theo hướng đã định. Đất càng nhẹ, làm càng kỹ càng tốt.

Chơi lan thú nhất là lúc được thưởng hoa. Vì thế, những ngày giáp Tết, các hội viên lại bắt đầu một mùa bận bịu. Khi có hoa nở họ lại tụ họp, trà quý, rượu ngon, rồi cùng bình phẩm, nhận xét, so sánh các loài hoa. Anh Nguyễn Văn Cường chia sẻ: “Có khi đang bận việc, có điện thoại gọi đi ngắm hoa là bỏ đấy đi ngay. Nhiều lần nhỡ việc, vợ phàn nàn, nhưng biết làm thế nào được. Hoa không phải lúc nào cũng nở, có những loài chờ mấy năm mới được ngắm. Nếu mình không đi là mất cơ hội thưởng hoa ngay”.

“Những ngày đầu vợ bực mình vì chồng cứ ngẩn ngơ bên những giỏ lan, đã xúi con ra…tè vào giỏ lan của bố. Nhưng đến giờ cô ấy còn mê hơn cả chồng, có hôm còn đi họp hội thay tôi nữa”, anh Phát cười nói.

Hoàng Thùy

+++++++++++++++
Theo uttungbonsai

Comments

0 comments to "Thú chơi địa lan của người Hà Thành"

Đăng nhận xét

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Tung Shady